Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

LỊCH SỬ





LỊCH SỬ

 

Tiệc chửa tàn canh,rượu chửa say

Còn đây ta hẹn khúc quanh nầy…

Nhớ hồi giữa trận tay vung kiếm

Thương buổi bên trời đạn xé mây

Đất Tống bao lần  thành quách đổ [1]

Trời Nam muôn thủơ rạng kỳ đài

Sân nhà giặc đến toàn dân đánh

Hàm tử [2],Chi Lăng[3]…xác giặc đầy…

voduonghonglam
 
 

---------------


Notes: [1]

Lý Thường Kiệt đánh Tống


Năm 1075, Vương An Thạch cầm quyền chính nhà Tống, tâu với vua Tống là Đại Việt bị Chiêm Thành đánh phá, quân còn sót lại không đầy vạn người, có thể dùng kế chiếm lấy được. Vua Tống sai Thẩm Khởi, và Lưu Di làm tri Quế Châu ngầm dấy binh người Man động, đóng thuyền bè, tập thủy chiến, cấm các châu huyện không được mua bán với Đại Việt.

Vua Lý biết tin, sai ông và Tôn Đản đem hơn 10 vạn binh đi đánh. Quân bộ gồm 60.000 người do các tướng Tôn Đản, Thân Cảnh Phúc[8], Lưu Kỷ, Hoàng Kim Mãn, Vi Thủ An chỉ huy, tổng chỉ huy là Tôn Đản. Bộ binh tập trung ngay ở các châu Quảng Nguyên, Môn (Đông Khê), Quang Lang, Tô Mậu rồi tràn sang đánh các trại Vĩnh Bình, Thái Bình, Hoành Sơn, châu Tây Bình, Lộc Châu. Một cánh quân khác đóng gần biên giới Khâm châu cũng kéo tới đánh các trại Như Hồng, Như Tích và Đề Trạo, "quân ta tới đâu như vào nhà trống không người"[9].

Lý Thường Kiệt chỉ huy 40.000 quân thủy cùng voi chiến đi đường biển từ châu Vĩnh An (Quảng Ninh) đổ bộ lên đánh các châu Khâm, Liêm; Tông Đản vây châu Ung. Ngày 30 tháng 12 năm 1075, quân Nam tiến chiếm thành Khâm Châu, bắt toàn bộ quan quân mà không phải giao chiến một trận nào. Ba ngày sau, 2 tháng 1 năm 1076, Liêm Châu cũng thất thủ[10].

Khi được tin hai châu Khâm, Liêm đã mất, nhà Tống rất hoang mang, lo ngại, các tướng ở địa phương bối rối. Ti kinh lược Quảng Nam tây lộ vội vã xin viện binh: 20.000 quân, 3.000 con ngựa, xin thêm khí giới, đồ dùng và một tháng lương, và xin được điều động các dân khê động, tất cả lấy dọc đường từ Kinh đến Quảng Tây. Để điều khiển quân được mau chóng, ti ấy cũng xin dời đến thành Tượng, gần phía bắc Ung Châu[11].

Trong lúc bối rối, triều đình Tống đối phó rất lúng túng. Vua Tống cách chức Lưu Di và sai Thạch Giám thay coi Quế Châu và làm kinh lược sứ Quảng Tây.

Trên các mặt trận, quân Lý hoàn toàn làm chủ. Lý Thường Kiệt cho đạo quân ở Khâm và Liêm Châu tiến lên phía Bắc. Đạo đổ bộ ở Khâm Châu kéo thẳng lên Ung Châu. Đường thẳng dài chừng 120 cây số, nhưng phải qua dãy núi Thập Vạn. Còn đạo đổ bộ ở Liêm Châu tiến sang phía đông bắc, chiếm lấy Bạch Châu, dường như để chặn quân tiếp viện của Tống từ phía đông tới. Hẹn ngày 18 tháng 1 năm 1076, hai đạo quân sẽ cùng hội lại vây chặt lấy Ung Châu.

Ung Châu là một thành lũy kiên cố, do tướng Tô Giám cùng với 2.800 quân cương quyết cố thủ.

Đô giám Quảng Tây nhà Tống là Trương Thủ Tiết đem quân đến cứu. Lý Thường Kiệt đón đánh ở cửa ải Côn Lôn (nay thuộc thành phố Nam Ninh, khu tự trị Quảng Tây) phá tan được, chém Trương Thủ Tiết tại trận.

Tri Ung Châu là Tô Giám cố thủ không hàng. Quân Đại Việt đánh đến hơn 40 ngày. Sau cùng quân Việt dùng hỏa công, bắn các chất cháy như nhựa thông vào thành, trong thành thiếu nước, không thể chữa được cháy. Cuối cùng quân Nam bắt dân Tống chồng bao đất cao đến hàng trượng để họ trèo lên thành. Ngày thứ 42, thành bị hạ, tướng chỉ huy Tô Giám tự thiêu để khỏi rơi vào tay quân Lý[12]. Người trong thành không chịu hàng, nên bị giết hết hơn 58.000 người, cộng với số người chết ở các châu Khâm, Liêm thì đến hơn 100.000[12], tuy nhiên quân Lý cũng tổn thất đến một vạn người và nhiều voi chiến[11].

Lý Thường Kiệt làm cỏ xong thành Ung, lại lấy đá lấp sông ngăn cứu viện rồi đem quân lên phía Bắc lấy Tân Châu. Viên quan coi Tân Châu, nghe thấy quân Nam kéo gần đến thành, liền bỏ thành chạy trốn[13]. Mục tiêu hoàn thành, Lý Thường Kiệt cho rút quân về.

Lý Thường Kiệt bắt sống người ba châu ấy đem về nước. Nhà Lý cho những người phương bắc đó vào khai phá vùng Hoan - Ái (Thanh - Nghệ).

nguon :­ w­ikipedia
 
[2]

Trận Hàm Tử [5-6-1285]



Trận quyết chiến giữa quân nhà Trần (Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải chỉ huy) và quân Nguyên (Toa Đô chỉ huy) trong cuộc Kháng chiến chống Nguyên 1285. Diễn ra trên đoạn Sông Hồng từ ngã ba Sông Luộc đến Thăng Long mà điểm quyết chiến là khu vực từ Tây Kết đến Hàm Tử, Chương Dương. Mục đích: phá tan tuyến phòng thủ của quân Nguyên trên Sông Hồng, cắt đứt đường hội quân của Thoát Hoan (đóng ở Thăng Long - trên bờ bắc Sông Hồng) và quân Toa Đô từ Nghệ An về Thăng Long theo đường thuỷ dọc Sông Hồng. Trận quyết chiến chia ra làm 2 đợt. Đợt 1: diễn ra từ cuối tháng 5 đến 9.6.1285. Trong đợt này, quân Trần dùng tiệp binh (binh sĩ được trang bị nhẹ) lần lượt đánh chiếm A Lỗ (Trần Quốc Tuấn chỉ huy), Tây Kết (Trần Quốc Toản, Nguyễn Khoái), Hàm Tử (Trần Nhật Duật), Chương Dương (Trần Quang Khải), từ đó tiến quân giải phóng Thăng Long, đánh đuổi quân Thoát Hoan rút chạy về nước (10.6.1285). Sau hơn 10 ngày chiến đấu, quân Trần đã quét sạch toàn bộ các đồn binh địch dọc Sông Hồng. Đợt 2: diễn ra từ ngày 21.6.1285, lúc quân Toa Đô tiến đánh vào sông Thiên Mạc mà không hề biết khúc Sông Hồng này đã bị quân Trần hoàn toàn làm chủ. Từ 21 - 24.6.1285, không thể nào vượt qua được cửa quan Hàm Tử trong hoàn cảnh bị chặn đánh phía trước và bị quân của vua Trần thúc đánh từ phía sau, Trương Hiền (Zhang Xian - một tướng của Toa Đô) đầu hàng. Trong trận này Toa Đô chết, còn Ô Mã Nhi (Wu Ma'er) và Lưu Khuê (Liu Gui) thoát khỏi vòng vây trong một chiến thuyền nhẹ, chạy ra biển.  

 

 

[3]

Trận CHI LĂNG – XƯƠNG GIANG

NGÀY 8 THÁNG 10 ĐẾN NGÀY 3 THÁNG 11 NĂM 1427

Đánh trận đầu, sạch sanh kình ngạc,
Đánh trận nữa, tan tác chim muôn.
Lỗ kiến xoi, đê vỡ phá tung,
Gió thổi mạnh, lá khô trút sạch.


NGUYỄN TRÃI
Bình Ngô đại cáo

Đó là khí thế xung trận vang dậy của quân dân ta và thắng lợi oanh liệt, triệt để của trận Chi Lăng – Xương Giang mà Nguyễn Trãi đã ghi lại trong Bình Ngô đại cáo. Đó cũng là chiến thắng có ý nghĩa quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh giải phóng do Lê Lợi - Nguyễn Trãi lãnh đạo hồi đầu thế kỷ XV.

 Trận quyết chiến chiến lược kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc chống quân Minh (Ming) xâm lược (19.11.1406 - 3.1.1428). Sau thất bại trong trận Tốt Động - Chúc Động (5 - 7.11.1426), Vương Thông (Wang Tong) vờ xin giảng hoà để chờ viện binh chính quốc. Tháng 10.1427, viện binh từ Trung Quốc chia làm hai đạo tiến sang; đạo quân Liễu Thăng (khoảng 100 nghìn) từ Quảng Tây qua Lạng Sơn vào Đông Quan; đạo quân Mộc Thạnh (Mu Sheng) (khoảng 50 nghìn) từ Vân Nam (Yunnan) định qua Lào Cai tiến về Đông Quan. Ngày 8.10, đạo quân Liễu Thăng (Liu Sheng) vượt biên giới vào Lạng Sơn; nghĩa quân Lam Sơn vừa đánh vừa rút, nhử đối phương vào trận địa mai phục ở Chi Lăng. Không gặp sức chống cự đáng kể, Liễu Thăng sinh chủ quan, tự mình chỉ huy đội kị binh mở đường. Ngày 10.10, đội quân này lọt vào trận địa mai phục và bị nghĩa quân kết hợp dân binh địa phương của Lý Huề diệt gọn (gần 10 nghìn). Liễu Thăng bị chém đầu tại núi Mã Yên . Phó tướng Lương Minh (Liang Ming) thay Liễu Thăng, chỉ huy đại quân. Ngày 15.10, quân Minh bị chặn đánh quyết liệt ở Cần Trạm (Kép, tỉnh Bắc Giang); Lương Minh bị giết cùng hàng vạn quân. Đô đốc Thôi Tụ (Cui Xiu) và thượng thư Lý Khánh (Li Qing) thay Lương Minh chỉ huy đội quân còn lại tiến về thành Xương Giang đã bị nghĩa quân đánh chiếm trước đó . Bị đánh suốt dọc đường tiến quân và thất vọng về thành Xương Giang thất thủ, Lý Khánh tự tử (18.10). Ngày 3.11, nghĩa quân tiến hành tổng công kích từ bốn mặt vào tàn quân của Liễu Thăng trú quân giữa cánh đồng Xương Giang, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ. Được tin đạo quân Liễu Thăng bị tiêu diệt, đạo quân Mộc Thạnh đang tiến quân vội vàng rút lui. Nghĩa quân lập tức chuyển sang truy kích, diệt trên 2 vạn, bắt sống hàng nghìn quân. Ngày 16.12, tại một địa điểm nam thành Đông Quan, Lê Lợi và Vương Thông lập hội thề, chấp nhận cho Vương Thông rút quân về nước . Ngày 23.12.1427, bắt đầu rút quân và đến 3.1.1428, tên lính xâm lược cuối cùng rời khỏi Đại Việt. Đây là theo tư tưởng quân sự của Nguyễn Trãi là lấy ít địch nhiều, thường dùng mai phục.
 
nguon: Lich su Viet nam

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét